Các lưu ý khi dạy trẻ chậm nói và khiếm thính tại nhà
Trẻ phải được huấn luyện khả năng nghe – nói bởi các nhà chuyên môn sau khi đeo máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai; như vậy sự phục hồi khả năng nghe nói mới được phát huy tối đa.
Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ chậm nói và có khiếm thính tại nhà, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Thu hút sự chú ý của trẻ trước khi nói chuyện với trẻ (đặt tay lên vai trẻ).
- Ở vị trí đối diện khi nói chuyện với trẻ, khích lệ trẻ đọc môi.
- Tạo môi trường yên tĩnh khi nói chuyện với trẻ (tắt TV, đóng cửa sổ nếu bên ngoài ồn, tắt máy nghe nhạc, hạn chế người nói chuyện nhiều trong phòng).
- Nói rõ và chậm hơn mức bình thường và cố gắng đưa vào văn cảnh để trẻ dễ hiểu: Cha mẹ là người dẫn đường quan trọng nhất cho con đi vào thế giới ngôn ngữ. Chính từ việc giao tiếp hàng ngày với con, cha mẹ có thể “đoán ý” trẻ muốn nói và diễn đạt giúp trẻ. Ví dụ trẻ muốn lấy cốc nước nhưng chưa diễn đạt được mà chỉ ê a, mẹ liền nói “À, con muốn uống NƯỚCCCCCC à”? Vừa nói vừa đáp ứng cho trẻ, giúp trẻ ghi nhớ từ nhanh hơn và diễn đạt từ đúng hoàn cảnh.
- Dùng ký hiệu, tranh ảnh, hình vẽ….để giao tiếp với trẻ: Cha mẹ nên treo nhiều tranh thể hiện đồ vật trên tường và cùng trẻ ôn tập cách gọi tên các đồ vật đó hàng ngày.
- Khích lệ trẻ mang máy trợ thính hàng ngày: kiểm tra pin, thường xuyên hỏi con có bị đau tai và vệ sinh sạch sẽ dụng cụ.
- Kiên nhẫn đối với trẻ, không được la mắng hoặc đòi hỏi trẻ phải nhớ tất cả những gì đã dạy ở buổi trước.
Cha mẹ nên tìm hiểu về chương trình đánh giá sự phát triển của trẻ giai đoạn đầu đời để có kế hoạch khám định kỳ sức khỏe tổng thể của trẻ trong giai đoạn 0 – 5 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn 2 năm đầu đời nhằm phát hiện sớm trẻ khiếm thính ở giai đoạn sơ sinh. Ảnh hưởng của điếc tới trẻ nhỏ rất nặng nề, có thể ví như một thảm họa. Nó gây ra các hậu quả liên tiếp. Trẻ nghe kém thường chậm nói hoặc không nói được. Từ đó dẫn đến chậm phát triển ngôn ngữ, gặp khó khăn trong học tập và hòa nhập xã hội.